Hồi ký
“Tìm về trú xứ Ân Sư, tu viện vùng cao Hy Mã”
“Tìm về trú xứ Ân Sư, tu viện vùng cao Hy Mã”
KỲ I:
Là một
người Phật tử, với tâm thành kính và quy ngưỡng đến Đức Từ Phụ Bổn Sư (Đức Phật),
ai ai trong chúng ta đều có một mong muốn trong đời được một lần hành hương đến
xứ Phật tại Ấn Độ, Nepal
để chiêm bái, tu tập. Để tìm về các Thánh tích mà hơn hai ngàn năm trước Đức Phật
và Chư Thánh Tăng đã từng trú ngụ, cùng với những nẽo đường đầy bụi đất lầy lội,
mà khi xưa nơi đây đã từng hằng in dấu chân Đức Phật và Thánh Chúng khi cất bước
khuất thực hoá duyên, thuyết Pháp hoá độ chúng sinh. Đó là những nơi chốn linh
thiêng đã ghi lại dấu ấn lịch sử, những sự kiện chính yếu quan trọng trong cuộc
đời của Đức Phật, thị hiện những công hạnh hoá độ tại cõi Ta Bà này. Tìm về những
nơi chốn ấy để đặt tâm mình hồi tưởng theo những sử liệu, Kinh sách đã ghi, để nhận
lấy một chút tín tâm, sự an lạc, và hoan hỷ với những công hạnh của các Ngài đã
thị hiện tại những nơi Thánh địa linh thiêng ấy.
Trong
tháng 6 năm 2011, nhân Pháp hội của Đức Dalai Lama dành cho người Việt Nam tại
tu viện Namgyal ở Dharamsala thuộc miền Bắc Ấn. Tôi có một vài thân hữu sang
tham dự Pháp hội và sau đó kết hợp thực hiện một chuyến hành hương chiêm bái
Thánh tích Phật Giáo. Chu yến hành hương được
thực hiện trong khoảng thời gian mà thời tiết khí trời Ấn Độ với cái nắng nóng
vô cùng gay gắt, nhưng đến được Phật tích ai trong chúng tôi cũng chí tâm chí
thành đến Đức Phật, và xem sự gian lao khó nhọc đó như là một phương pháp để
thanh tịnh nghiệp chướng và tích tập công đức, vì vậy tất cả chúng tôi đều hân
hoan vui mừng và chuyến đi được rất nhiều lợi lạc.
Mãn
nguyện nhất là gặp được các Bậc Đạo Sư, đặc biệt là được tham dự Pháp hội của Đức
Dalai Lama, được diện kiến Ngài, có người được Ngài nắm tay, ban phước và nhất
là mỗi người nhận được một tượng Đức Phật nho nhỏ, nhưng rất đẹp theo kiểu tượng
Đức Phật tại Bodh Gaya. Duyên lành này tương ứng với niềm hân hoan của chúng
tôi khi bắt đầu chuyến hành hương tìm về xứ Phật, thực hành cúng dường cầu nguyện
đến Đức Bổn Sư Shakya. Chính vì vậy trong chuyến hành hương, đến những nơi
Thánh tích Đức Phật, mỗi người đặt bức tượng đó xuống Thánh địa và cùng nhau
thành tâm cầu nguyện, tụng Kinh trì chú theo “Nghi quỹ Đức Phật”. Sau này có trở
về Việt Nam ,
chỉ cần mỗi lần nhìn thấy tượng Phật nhỏ bé này cũng đủ sinh tâm hoan hỷ và vui
mừng khi nhớ đến chuyến hành hương Phật tích mà bản thân mình đã từng trải qua.
Tu viện Dzongsar gần Dharamsala
Trường cao học Tây Tạng Sarah tại Dharamsala
Chuyến
hành hương trải dài từ New Del hi ,
vượt hơn 600 km để lên hồ thiêng Tso Pema nơi Đức Liên Hoa Sinh thị hiện thần
thong, rồi trở về Dharamsala tham dự Pháp hội xong, lại trở về New Delhi và sau
đó bắt đầu hành trình Phật tích từ Varanasi, chiêm bái qua rất nhiều Thánh tích
Phật Giáo. Hành trình kéo dài hơn hai mươi ngày sau thì đến Lumbini, điểm cuối
cùng của các Thánh địa liên quan đến Đức Phật, và khi đến vườn cát tường
Lumbini thì cũng chính là đã đến đất nước Nepal . Cũng chính vì đất nước Nepal này là nơi lần đầu tiên trong đời tôi đặt
chân đến khi rời khỏi nước Việt Nam ,
và cũng chính nơi đây là trú xứ của Bậc Đạo Sư tôn quý của tôi, và những lần đến
đất nước này đều để lại trong lòng tôi với biết bao ấn tượng khó quên. Đặc biệt
nhất là lần này với một sự kiện trong chuyến đi đã khắc sâu vào tâm thức mỗi
người trong chúng tôi một dấu ấn lớn, để sinh tâm thành kính tín ngưỡng đối với
một Bậc Đạo Sư và nhất là đối với chính bản thân tôi sẽ không bao giờ quên
trong suốt cuộc đời này. Đó là một kỷ niệm khi cả đoàn đã đến Nepal, từ thủ đô
Kathmandu bắt đầu chuyến hành trình trở về tổ đình Thubten Choling của Đấng
Kyabje Trulshik Rinpoche trong vùng núi Solu Khumbu, thuộc phía nam của đỉnh
Enverest, gần biên giới Tây Tạng. Chính vì vậy, mặc dù chúng tôi đã hành hương
qua rất nhiều Thánh tích của Đức Phật với rất nhiều hình ảnh khó quên ở những
nơi đó, nhưng hồi ký này sẽ chỉ tập trung kể lại những hình ảnh của vùng núi
cao Hy Mã với những trải nghiệm khó quên đã ghi sâu vào tâm khảm chúng tôi.
Khi đặt
chân đến Kathmandu , tại Đại Bảo Tháp Boudhnath
hùng vĩ, linh thiêng, đi kinh hành cầu nguyện, một ước nguyện mong mõi của tôi
cũng như của tất cả mọi người trong đoàn là được diện kiến Đấng Kyabje Trulshik
Rinpoche trong cuộc đời này, nh ưng thời gian
này Ngài đã trở về núi Solukhumbu, nhập thất tại tu viện Thubten Choling của
Ngài. Và hiện nay do Ngài nhập thất nên việc diện kiến Ngài vô cùng khó khăn,
và đường lên núi thì xa xôi, nếu đi đường bộ thì cũng mất ba hay bốn ngày, mà hiện
giờ lại đang là mùa mưa bão nên đường núi sạt lở đi rất nguy hiểm, còn đi máy
bay thì thời tiết xấu cũng khó cất cánh và hạ cánh. Biết được tin này ai cũng
phân vân, sau một ngày suy tính và cuối cùng chúng tôi quyết tâm tìm lên đến tu
viện Ngài, nếu không nhân cơ hội này lên núi thăm Ngài và viếng tu viện thì sau
này khó mà còn cơ hội khác. Còn bản thân tôi thì suốt đêm đó suy nghĩ tính toán
và cũng ao ước muốn lên núi vì đây là dịp được trở về Tổ đình của mình. Trước
đó vài ngày, vào cái đêm ngủ ở Pokhara, trước khi đến Kathmandu
một đêm, tôi có một giấc mơ gặp lại Thầy mình và vị thầy thị giả của Ngài bảo rằng
những người đi chung đoàn này hữu duyên phước đức vô cùng nên trong đời này được
diện kiến Ngài, chính vì vậy càng làm tôi vững tâm hơn và quyết chí lên núi (giấc
mơ này tôi liền kể cho vài người trong đoàn nghe ngay sáng hôm đó ở Pokhara).
Đại Bảo Tháp Boudha
Cả một
buổi tính toán kinh phí và ra đoàn quyết định là đi máy bay, vì trong đoàn đa
phần là phụ nữ và lại có hai “Ama” đã lớn tuổi một 55 và một 60 nên không đảm bảo
sức khoẻ đi đường bộ. Mua vé máy bay xong thì chuẩn bị hành lý, trang bị các
túi ngủ và vật dụng gọn nhẹ để mang theo, vì lên núi cao, đường xa, khí hậu khắc
nghiệt và cái lạnh thấu xương. Sau khi chuẩn bị hành lý, mọi người ra Đại Bảo
Tháp Boudhnath đi kinh hành cầu nguyện, cầu mong cho chuyến đi lên núi được
bình an và được diện kiến tôn nhan Bậc Thánh Tăng uy đức ngay trong đời này.
Qua
ngày hôm sau mọi người ai ai cũng náo nức, hớn hở ra sân bay, nhưng ngồi tại
sân bay cứ nhìn đồng hồ thời gian trôi qua, cứ vài mươi phút lại xem đồng hồ mà
vẫn không thấy có thông báo cho chuyến bay cất cánh, sau thời gian mõi mệt chờ
đợi hơn 4 giờ thì hãng máy bay báo rằng thời tiết tại Solukhumbu không tốt, mây
mù và mưa nhiều nên không thể hạ cánh, chính vì vậy nên huỷ chuyến bay hôm nay.
Thế là mọi người phải mệt mỏi lất thất trở về quán trọ ở gần Tháp Buodhnath.
Chờ đợi chuyến bay tại Kathmandu
Sáng ngày
hôm sau thì chuyến bay khởi hành sớm hơn dự định vì chúng tôi nhận được điện
thoại của hãng hàng không bảo phải ra sân bay gấp, tranh thủ thời tiết tốt thì bay
liền. Chiếc máy bay chỉ có 18 chổ, chính vì vậy hễ đủ người thì sẽ lập tức cất
cánh, không theo thứ tự danh sách, hễ ai có vé và có mặt tại sân bay thì lên
máy bay, và ưu tiên người nước ngoài, vì những ngày qua do thời tiết xấu, máy
bay không bay được nên hành khách dồn lại rất nhiều, ai ra trước thì bay trước
vậy. Chính vì nghe thời tiết xấu nên vài người trong đoàn cũng rất lo lắng cho
an toàn của chuyến bay, ngồi trên máy bay mặc dù thấp thỏm lo sợ nên liên tục trì
tụng thần chú và cầu nguyện, nhưng đôi mắt thì không sao cưỡng lại được những
hình ảnh hoành tráng, trùng trùng điệp điệp của núi non, của những con sông, con
suối uốn lượng ngoằn ngoèo trải dài dưới thung lũng của dãy núi rừng Nepal khi
nhìn từ trên cao xuống. Cuối cùng máy bay cũng hạ cánh an toàn xuống sân bay
Phaplu với đường băng gồ ghề thô sơ, sân bay địa phương của miền núi nhỏ bé
khiêm nhường.
Máy bay hạ cánh
Sân bay địa phương Phaplu
Hăng hái lên đường
Khi
đáp máy bay đến sân bay Phaplu thuộc vùng núi Solukhumbu thì lúc đó đã là 11 giờ
trưa, nghỉ ngơi uống trà xong thì thuê người phụ khuân vác hành lý lên núi. Người
địa phương nói rằng từ sân bay Phaplu này lên đến tu viện Thubten Choling chỉ có
6 giờ đồng hồ. Thế là bắt đầu cuộc hành trình lên núi, mọi người trong đoàn ai
cũng hăng hái tung tăng, vai mang tay xách hành lý, hướng về phía núi cầu nguyện
đến Bậc Đạo Sư mà tiến bước. Sau khi băng qua dãy nhà phố núi đơn sơ mộc mạc với
con đường lầy lội, sình lầy trơn trượt sau những ngày mưa phùn kéo dài, đi được
một lúc thì bắt đầu tiến vào con đường đá nhỏ chuẩn bị leo lên dốc núi, ngay
lúc đó mây mù kéo đến và bắt đầu một trận mưa rừng lúc thì tầm tả, lúc thì lất
phất. Đoàn đành ghé ngang một quán xá nhỏ bên đường mua vài tấm nhựa ni-lông để
làm áo mưa khoác tạm lên người cho qua cơn mưa.
Suốt
dọc đường mưa rừng lất phất, gian lao không vì núi cao mà vất vả vì mưa ướt tầm
tả, và hơn hết điều kinh hãi làm mọi người chùng bước, mõi mệt, lo âu đó chính
là gặp phải những sinh vật hút máu của núi rừng Hy Mã Lạp Sơn. Lúc này đang là
mùa mưa ẩm ướt nên những con vắt hút máu này sinh sôi nảy nở rất nhiều, dọc đường
đi không ai trong đoàn mà không bị chúng đeo bám lấy hút máu, chúng nằm ở khắp
nơi trên các lá cây khi mọi người đi ngang thì lập tức bám lấy chân tay, có con
bò lên cả cổ và đầu tóc. Thoạt đầu đi vào núi chưa hay biết gì cứ men theo đường
núi mà tiến bước, đến khi nhìn thấy tay chân đầy máu, kinh hãi hoảng hốt với
vài con vật màu nâu đen đeo bám trên tay, khi nhìn thấy thì lúc đó chúng đã no
bụng rồi. Có người khi bị hút máu không hề hay biết gì đến khi thấy áo quần ươn
ướt dính máu xem lại thì đã muộn, nó hút đầy máu xong thì tự động rớt ra, còn
chưa no thì bám chặc lấy da thịt, mình chúng trơn nhớt gở ra vô cùng khó. Cứ chốc
chốc dọc đường đi lại nghe tiếng la thất thanh hốt hoảng của người đi trong
đoàn khi bị vắt đeo bám lấy hút máu.
Sinh vật hút máu trên núi rừng Hy Mã
Mặc
dù vậy, thỉnh thoảng vẫn phải cố dừng chân trước những ngôi nhà ven núi của người
Sherpa để nghỉ ngơi, một bà lão mái tóc bạc phơ, gương mặt da nhăn khắc khổ của
người miền núi, nhưng đặc biệt trên đó lại đậm nét hiền từ, phúc hậu, an nhiên,
bà vui vẽ mang ra một bát mận đào chín đỏ để mời mọi người giải khát, trò chuyện.
Dừng chân bên ngôi nhà của cụ bà
Trong
suốt dọc đường đi, vài đoạn dừng chân lại là nhìn thấy những vườn đào, vườn mận
sai trái trĩu quả, những quả đào to bằng quả cam chín mọng ửng đỏ mọc thành
chùm trên những cành cây với lá xanh mươn mướt, bao lấy quấn quít xung quanh những
cây đào là những cụm sương núi, mây trắng lất phất. Không chỉ quấn quanh những
cành đào trĩu quả mà phía bên trên những vách núi, những ngọn sơn tùng, thông
lá kim xanh rì, cao chót vót cũng thoát ẩn thoát hiện trong mây núi lửng lờ
trôi. Bên dưới là dòng suối trong xanh nước cuồn cuộn chảy sau cơn mưa đầy, con
suối tuôn chảy mạnh mẻ như muốn xô đẩy những hòn đá to chắn ngang dòng chảy, lại
thêm hình ảnh bên trên những cây cầu treo bắc ngang qua suối, bay lất phất
trong sương mờ mờ ảo ảo là những màu sắc rực rở của những lá cờ cầu nguyện và
khăn katag trắng treo vắt trên thành cầu, một khung cảnh hiện ra, mặc dù trong
buổi chiều tà hiu quạnh, nhưng không hề mang vẻ buồn ảm đạm của vùng sơn cước
mà lại toát lên vẻ thoát tục của chốn bồng lai tiên cảnh.
Khu vườn đào quanh núi
Sơn tùng cao chót vót bên trên, phía dưới là dòng suối
với chiếc cầu gỗ bắc ngang
Mây lững lờ trên ngọn sơn tùng cùng dòng suối cuồn cuộn
sau cơn mưa
Cầu treo bắc ngang qua suối
Xem lại
đồng hồ thì lúc này đoàn đã đi được hơn 4 tiếng, bởi trước khi đi nghe người địa
phương đi núi nói rằng đường đi chỉ mất 6 tiếng, bên cạnh đó đoàn đã đi đến đoạn
đường bắt đầu xuất hiện những ngôi bảo tháp cổ kính bạc màu với những cặp mắt
Phật nghiêm trang, bảo tháp đứng hiên ngang trên những ngọn đồi ven đường gánh
chịu sương gió, lất phất bên cạnh là những dây cờ cầu nguyện đang bay trong mây,
và những dãy tường đá rêu phong với những phiến đá chạm khắc đầy Kinh điển và Thần
chú vừa là Tạng văn và cũng có Phạn văn, nhìn thấy cảnh vật ấy nên mọi người cứ
tưởng rằng đã gần đến ngôi tổ đình đại tự, cả đoàn đứng lại ngắm nhìn khung cảnh
hùng vĩ của núi rừng Hy Mã Lạp Sơn, nhìn lên trên là những ngọn núi ẩn mình
trong mây, những vách đá cheo leo sừng sững được tô điểm với những thác nước nhỏ
nhoi, xa xa trên những triền núi mọc lên những ngôi nhà gỗ đơn sơ mộc mạc, cạnh
bên là những chuồng bò gia xúc chất đầy cỏ khô, nhìn xuống bên dưới thâm thẩm là
những cánh đồng lúc mì, lúa mạch xanh xanh vàng vàng, bên cạnh đó cũng là những
vực sâu hun hút lững lờ với những áng mây trôi,… tất cả đã lôi cuốn khiến đoàn
lữ khách phải ngây ngất đắm chìm trong cảnh núi.
Các ngôi tháp cổ dần xuất hiện, với những dây cờ lất
phất trong mây
Dãy tường đá ngang đường khắc đầy thần chú và Kinh
Dừng chân bên ngôi tháp cổ hiên ngang trong gió lộng,
bên cạnh là anh khuân vác dẫn đường
Đồng lúa mì bên triền núi
Lác đác vài ngôi nhà ven triền núi với các chuồng gia
súc.
Và
đoàn lại tiếp tục men theo con đường núi nhỏ hẹp mà thẳng tiến, nhưng cứ đi
mãi, bầu trời thì đã gần như sụp tối mà đích đến vẫn chưa thấy đâu, bèn hỏi lại
người khuân vác thì anh ta mới nói cho biết là phải đi thêm 3 tiếng nửa, hôm
nay khó mà đến kịp, phải dừng chân lại nghĩ qua đêm sáng hôm sau hãy đi tiếp. Bởi
vì người địa phương là dân sơn cước, đi lại thường xuyên trên tuyến đường này,
với họ thì hành trình này chỉ mất 6 tiếng là chuyện thường, nhưng mọi người trong
đoàn toàn là dân ở thị thành, lại đa phần là phụ nữ, có hai “Bà Ama” đã hơi lớn
tuổi nên vừa đi vừa nghỉ, nhưng cho dù với những thanh niên khoẻ trong đoàn
cũng không thể nào đi được chỉ với 6 giờ trên một chặn đường núi cao như vậy. Vậy
là cứ cố gắng dốc sức mà tiếp tục đi cho đến nơi có quán trọ để nghỉ qua đêm.
Khi
trời gần sụp tối thì mọi người lại nhìn thấy thêm một ngôi tháp cổ khác, to hơn
ngôi tháp trước, dưới chân cũng là những dãy tường đá chất đầy những phiến đá
khắc Kinh. Bước thêm vài bước thì đã thấy ngay một chiếc cổng xây bằng đá, trét
vôi, cột gỗ với nét cổ kính trong rất xa xưa, dọc theo bên trong cổng là hai dãy
Kinh luân hai bên, hình ảnh như những cổng chùa mà mọi người đã từng được thấy
trong các phim ảnh về xứ tuyết Tây Tạng, thật sự đây đúng là cổng chùa theo
phong cách Tây Tạng mà ở bên ngoài xứ Tạng do người Sherpa dựng nên. Cuối cùng
anh khuân vác và vị Lama đi cùng đoàn báo cho biết rằng đã đến được quán trọ,
nơi đoàn sẽ dừng chân lại ăn tối và nghỉ qua đêm.
Cổng của một tu viện cổ, phía sau là ngôi nhà trọ nghỉ
qua đêm
Bảo tháp cổ kính và hành lang Kinh luân đối diện cổng
chùa
Vào
được quán trọ, mọi người tranh thủ vào phòng và nhanh chóng cởi hết y phục trên
người để kiểm tra xem có con vắt nào còn bám trong người mình hay không, nỗi ám
ảnh và sợ hãi đối với con vắt hút máu cứ đeo bám mọi người trong suốt chặn đường,
lo sợ chúng nó chui vào lỗ tay, lỗ mũi, vào rốn mà sinh sản trong đó… Có anh
Tashi người Tây Tạng đi chung đoàn bắt ra trong người hai con vắt đã hút máu no
căng. Kiểm tra cơ thể xong thì vệ sinh, rửa mặt lau mình với những gáo nước suối
lạnh băng băng, nhưng phải cố dùng, sau đó mới thông thả xuống gian nhà ăn để gọi
thức ăn, trò chuyện. Cũng trong lúc này, mọi người đang chờ thức ăn, ngồi dưới
ánh đèn neon lờ mờ đủ sáng, phát ra từ dòng điện được quay bằng sức nước của
con suối, tất cả chúng tôi quay quần bên nhau vừa nhắc lại những khó khăn của
chặn đường đi lúc sáng vừa xoa bóp đôi chân, khung cảnh giống như một gia đình
trò chuyện vui vẻ, còn thầy Lama đi cùng đoàn thì chui vào trong bếp ngồi cạnh
bếp lò sưởi ấm và nói chuyện cùng ông chủ quán trọ, lát sau các vị ấy cũng tập trung
ra phòng ăn này. Bấy giờ tôi mới có dịp trò chuyện và hỏi thăm ông chủ quán trọ
người Sherpa biết một chút ít tiếng Tạng, cùng vị Lama đi cùng đoàn, từ đó cho
tôi biết được thêm về vùng đất này.
Vui đùa dùng bửa trong quán trọ
Góc bếp đơn sơ nhưng ấp áp trong cái lạnh buốc của gió
núi
Bửa sáng chỉ cốc trà sửa nóng với bánh mì chiên Tây Tạng,
bột tsampa
Vài ngôi nhà kề bên quán trọ
Thoạt
tiên khi nhìn thấy cổng chùa nơi đây nên cứ tưởng rằng đã tới được tu viện tổ
đình nhưng đây chỉ là cổng chùa của một ngôi chùa cổ được cộng đồng người
Sherpa theo Phật Giáo Tây Tạng xây dựng cách đây hơn 300 năm, tu viện cổ này có
tên là Chiwong Gonpa. Trong những năm 1959, với sự kiện lưu vong của Đức Dalai
Lama đến Ấn Độ ở vùng đất Dharamsala, thì trong khi ấy Kyabje Trulshik Rinpoche
cùng với mấy trăm tu sĩ và dân Tây Tạng cũng thoát khỏi Tây Tạng và đến trú xứ
này. Và Ngài đã trụ lại ở tại tu viện Chiwong này trong khoảng sáu năm đầu, và
tại tu viện này hiện tại còn lưu trữ Năm Bộ Phục Tàng (Terma) của Đức Liên Hoa
Sinh truyền lại cho đến ngày nay, một năm chỉ có một lần trong dịp lễ hội mới mở
Tàng Kinh ra cho đông đảo người dân Phật tử đến chiêm bái đảnh lễ. Khoảng thời
gian sau đó, Ngài mới cùng với hơn sáu mươi tu sĩ tiến lên cao phía trên dãy
núi nơi được gọi là “Sư Tử Động”, dưới hang động này còn lưu lại dấu ấn bàn tay
của Ngài Sangye Lingpa, tại đây Kyabje Trulshik Rinpoche đã bắt đầu thành lập cộng
đồng tu viện với tên gọi “Thubten Choling” (tu viện Giáo Lý Phật Đà, hay Phật
Giáo Pháp Viện). Nơi vùng đất này rất gần đỉnh Enverset, thuộc phía nam của đỉnh
Enverest, và cũng rất gần biên giới Tây Tạng – Nepal, nên rất nhiều người Tây Tạng
tị nạn qua vùng đất này. Tôi nhớ lại hai năm về trước khi đang học tại trường Cao
học Tây Tạng Sarah, trong một tiết giảng bài của thầy chủ nhiệm tên Passang, thầy
có kể lại chuyến hành trình vượt núi tuyết chạy nạn của mình sang Nepal, có đoạn
như sau: “Sau thời gian trốn chạy thì đã đến biên giới Nepal và ở trong một tu viện, món
ăn ngon nhất trong đời mà tôi được ăn đó là bửa cơm đầu tiên tại tu viện của Kyabje
Trulshik Rinpoche, chỉ có cơm và dal (một loại súp nấu bằng đậu xanh)”.
Sau một
ngày dài hành trình mỏi mệt, thế là mọi người ai về phòng nấy. Một gian phòng
nhỏ hẹp được đóng bằng gỗ thông rừng với ánh đèn mờ ảo, sau khi cầu nguyện đến
Bậc Đạo Sư xong thì thả mình vào giấc ngủ.
Hồi ký viết tại Dharamsala, ngày 15 tháng 8 năm 2011.
File kèm hình ảnh download tại link:
http://www.mediafire.com/view/?6lvgxy6xa8mmtgr